ĐỊA LÝ VÀ CUỘC SỐNG

Trang chủ » Địa lý Tự nhiên

Category Archives: Địa lý Tự nhiên

Vì sao nước ta có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa?

Khí hậu nước ta rất độc đáo: khí hậu nóng nhưng không khô hạn như Tây Nam Á, Bắc Phi. Nóng ẩm nhưng không nóng ẩm quanh năm như các quần đảo ở Đông Nam Á.

Miền Bắc nước ta có mùa đông lạnh khác thường, còn miền Nam lại có mùa khô kéo dài sâu sắc. Có được những nét độc đáo đó là do:

  • Nước ta nằm trong vùng nội chí tuyến nên khí hậu mang tính chất nhiệt đới.
  • Hoạt động mạnh mẽ của gió mùa, tác động của biển Đông đã mang đến cho nước ta lượng mưa và độ ẩm dồi dào.

Vì vậy nước ta có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa.

Nước ta nằm trong vùng nội chí tuyến nên khí hậu mang tính chất nhiệt đới. (Ảnh minh họa).

Tính chất nhiệt đới ẩm của khí hậu nước ta thể hiện:

Vị trí địa lí nước ta:

  • Điểm cực Bắc gần chí tuyến (230 23’ B).
  • Điểm cực Nam cách xích đạo không xa (80 34’ B).
  • Nước ta nằm trọn trong vùng nhiệt đới của nữa cầu Bắc.

Do ví trí địa lí như vậy, nên bất kì nơi nào trên lãnh thổ nước ta một năm có 2 lần Mặt Trời lên thiên đỉnh, khiến cho lãnh thổ nước ta ở đâu cũng nhận được lượng nhiệt lớn. Vì thế hằng năm cả nước đều nhận được lượng bức xạ lớn, cân bằng bức xạ quanh năm dương, nhiệt độ trung bình năm cao trên 200c (trừ vùng núi cao), nhiều nắng.

Nước ta là một bán đảo, nằm bên bờ biển Đông (thuộc Tây Thái Bình Dương). Nhờ tác động của biển đông, cùng các khối khí xuất phát và vượt qua các vùng biển nóng-ẩm khác nhau, khi đến nước ta lại gặp các địa hình chắn gió và các nhiễu động của khí quyển nên đã tạo ra mưa lớn, lượng mưa trung bình từ 1500-2000mm/năm. Những nơi có sườn núi đón gió biển hoặc núi cao-lượng mưa tới 3500-4000mm/năm. Độ ẩm không khí tương đối cao trên 80% (trừ một số vùng khuất gió như: Tây Nghệ An, cực Nam Trung Bộ, có độ ẩm kém hớn).

Nhờ có chế độ nhiệt-ẩm phong phú nên nước ta có rừng cây xanh quanh năm. Canh tác mỗi năm 2-3 vụ,…

Nhưng nhiệt – ẩm cao cũng mang đến nhiều dịch bệnh, nấm mốc, vv….cho cây trồng, vật nuôi và đời sống con người.

Theo khoahoc.tv

12 hiện tượng thiên nhiên kỳ ảo: Thác nước đổ lửa, trời nắng chang chang vào ban đêm

Thác nước đổ lửa tự nhiên, dê leo cây… nghe có vẻ phi tự nhiên nhưng đó là hiện tượng thiên nhiên kỳ thú có thực trên hành tinh xảy ra vào khoảng thời gian nhất định trong năm.

Chúng ta chả thể nào biết hết sự kỳ điệu của thiên nhiên mọi nơi. Bài viết này sẽ liệt kê 12 hiện tượng thiên nhiên kỳ thú và ảo diệu tương ứng với 12 tháng trong năm ở khắp nơi trên thế giới.

Tháng 1: Hồ nước bong bóng đóng băng

Hồ nước Abraham ở Alberta, Canada cũng giống như mọi hồ nước khác. Nhưng đến mùa đông từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau đó, vi khuẩn dưới đáy hồ trong suốt nhả khí mê tan làm nước đóng băng thành từng cục hình oval, tạo nên cảnh tượng thật ngoạn mục.

Tháng 2: Thác nước Horsetail rực lửa

Cảnh tượng thác nước rất đỗi quen thuộc nhưng thác nước rực lửa thì thật hiếm có. Vào cuối tháng 2, nhìn từ góc độ nào đó, ánh hoàng hôn làm cho thác nước Horsetail ở thung lũng Yosemite, Công viên Quốc gia Yosemite, bang California, Mỹ, như rực cháy đổ lửa xuống núi thay cho nước.

Tháng 3: Chim sáo tập hợp thành đàn lớn kỳ dị

Chim sáo tập hợp thành từng đàn lớn đáng kinh ngạc bay rợp trời. Chúng sà xuống và bay lên đồng loạt như thể là một sinh vật khổng lồ, chứ không phải là hàng ngàn cá thể chim.

Theo các chuyên gia, chim sáo tập hợp thành hình thù đáng kinh ngạc như thế để trao đổi thông tin và đánh lừa kẻ săn mồi. Chúng bay đen kịt trời khắp nước Anh từ tháng 1 đến tháng 3 hàng năm.

Tháng 4: Cây đậu tía nở hoa rực rỡ

Vào mùa xuân ở Nhật Bản, không chỉ có hoa anh đào nở rực rỡ, mà còn có cây đậu tía nở hoa rợp trời. Đến Nhật Bản vào giữa tháng 4 đến giữa tháng 5, bạn có thể đi trong những con đường mái vòm phủ kín bằng hàng trăm cây đậu tía nở hoa từ màu đỏ màu tím đến màu vàng màu trắng, đẹp như trong truyện cổ tích.

Tháng 5: Đom đóm bay lập lòe

Đom đóm chỉ có ở một vài nơi trên hành tinh. Đến mùa giao phối vào tháng 5 – 6, hàng ngàn con đom đóm tụ lại cùng nhau phát sáng lấp lánh trong Công viên Quốc gia núi Great Smoky, Mỹ.

Tháng 6: Dê leo cây

Dê trèo cây là hiện tượng tự nhiên kỳ quái nhưng có lời giải thích hợp lý. Không phải cây nào dê cũng leo, chúng chỉ leo cây argan ở Morocco, có quả chín vào khoảng tháng 6. Dê đói thèm ăn quả cây này nên cả chục con leo lên cây.

Tháng 7: Trời nắng lúc nửa đêm

Trời nắng lúc nửa đêm là hiện tượng tự nhiên trong mùa hè ở phía nam Nam Cực và phía bắc Bắc Cực, Na Uy.

Do trục vòng quay Trái Đất bị nghiêng, khiến cho Bắc Cực bị nghiêng về phía mặt trời vào mùa hè, nên thấy mặt trời không lặn từ tháng 6 đến tháng 8.

Tháng 8: Hồ da báo

Trong mùa hè trời nóng, hồ Osoyoos ở British Columbia, Canada, thay đổi màu sắc và thậm chí cả hình dạng. Khi nước bay hơi, chúng ta có thể thấy các hình vòng tròn nhiều màu do muối và các khoáng chất khác dưới đáy hồ tạo thành trông như da báo. Trời nóng, hồ thành màu trắng hoàn toàn.

Tháng 9: Hồ nước nở hoa rực rỡ

Màu nước hồ ở Vận Thành, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc biến thành dải màu từ xanh lá cây và vàng đến đỏ tươi do loạt các loài tảo nở hoa trong hồ. Trông hồ nước đẹp ngoạn mục. Vào mùa thu, màu sắc nước hồ rực rỡ nhất.

Tháng 10: Sông bảy sắc cầu vồng

Do tảo nở hoa mà nước sông Cano Cristales ở Colombia mang bảy sắc cầu vồng, kể cả màu đen. Dòng sông rực rỡ nhất vào mùa thu, tháng 10 và 11.

Tháng 11: Sa mạc nở hoa

Sa mạc thường toàn cát, nhưng sa mạc Atacama ở Chile lại rực rỡ hoa nở sau đêm mưa to. Nhưng 4 – 5 năm, sa mạc mới nở hoa một lần vào tháng 9 – 11.

Tháng 12: Đá tự lăn

Dường như đá trong thung lũng Chết ở bang California (Mỹ), tự lăn đi trong khu vực vắng vẻ, không có điện và không có dây kéo.

Từ năm 1900, các nhà khoa học đã nghiên cứu và cho rằng đá chuyển động kỳ lạ do sự cân bằng hoàn hảo của nước, băng và gió xảy ra trong mùa đông. Những tảng băng mỏng hình thành dưới viên đá đã đẩy chúng về phía trước nhờ gió nhẹ.

Nguồn bài và ảnh: Bright Side

 

 

Tái hiện rừng nhiệt đới Amazon với 30.000 tấm ảnh

Nghệ sĩ Yadegar Asisi đã dành 3 năm để làm ra bức tranh toàn cảnh rừng nhiệt đới Amazon lớn nhất thế giới này.

Rừng nhiệt đới Amazon

Khung cảnh khu rừng nhiệt đới Amazon với nhiều cây khổng lồ, vươn cao như sắp chạm vào bầu trời và tiếng chim hót líu lo đang được tái hiện tại thành phố Hanover của Đức. Đây là dự án ảnh Panorama 360 độ của nghệ sĩ Yadegar Asisi.

Hơn 30.000 bức ảnh được ông chụp lại trong 4 lần đến vùng Amazon đã đuợc kết hợp lại với nhau tạo thành một bức tranh toàn cảnh trong 1 căn phòng hình trụ, rộng 3.500 m2.

Khi chiêm ngưỡng tác phẩm của Yadegar Asisi, khách tham quan sẽ có cảm giác như đang thực sự lạc trong rừng Amazon.

VTV

Tại sao bão số 10 đổ bộ Việt Nam lại “thần tốc” và hung hãn đến vậy?

Việc một cơn bão càng vào gần đất liền càng gia tăng sức mạnh quả là đáng sợ. Với cơn bão số 10 đổ bộ vào nước ta, điều gì đã khiến nó mạnh dần lên khi vào gần bờ?

Bão số 10 hay có tên quốc tế là Doksuri đã tiến vào đất liền nước ta. Đây là cơn bão đầu tiên của Việt Nam được cảnh báo nguy hiểm cấp độ 4 (màu đỏ) – theo Trung tâm Khí tượng thủy văn trung ương.

Vậy cơn bão này có gì khác biệt so với các cơn bão từng đổ bộ trước đó, mà được đánh giá nguy hiểm như vậy?

Để trả lời câu hỏi này, hãy cùng tìm hiểu về cơ chế hình thành và những nguyên nhân có thể làm gia tăng sức mạnh của một cơn bão, cũng như điều gì có thể làm nó suy yếu. Từ đó, về mặt khoa học, chúng ta có thể hiểu không chỉ về cơn bão số 10 này mà còn lý giải được về những cơn bão khác trên thế giới.

1. Bão là gì? 

Dù bão là hiện tượng vô cùng quen thuộc đối với bất cứ ai, nhưng để trả lời câu hỏi này một cách chính xác câu hỏi trên thì không phải ai cũng biết và nói ngay được.

Có rất nhiều loại bão như bão nhiệt đới, bão lốc xoáy (vòi rồng)… nhưng nhìn chung thì bão là một trạng thái nhiễu động của khí quyển theo hình xoắn ốc. 

Hãy hình dung việc bạn khuấy một ly nước theo một chiều nhất định, khi đó tại khu vực trung tâm xuất hiện một khoảng trống nhỏ (tương ứng với mắt bão), gần khu vực này dòng không khí chuyển động rất nhanh (nhanh nhất trong cơn bão) và giảm dần khi đi xa mắt bão.

Nếu bạn khuấy ly nước càng mạnh thì dòng nước chuyển động càng nhanh và lỗ hổng này càng lớn ra, điều này cũng tương tự với 1 cơn bão (bão càng mạnh mắt bão càng to, do đó nếu nhìn hình ảnh vệ tinh từ trên cao chúng ta cũng có thể nhận thấy cơn bão lớn tới mức nào).

Có thể đánh giá sơ bộ sức mạnh cơn bão thông qua mắt bão. Ảnh khoahoc.tv.

Điều thú vị là nếu đi từ ngoài vào trong tâm bão thì sức gió càng mạnh lên (mạnh nhất là khu vực bao quanh mắt bão gọi là thành mắt bão) nhưng tâm bão lại gần như “tĩnh lặng”, vì đây là môi trường có khí áp thấp.

Điều này là do lực ly tâm khiến mật độ không khí ở trung tâm rất thấp vì bị giãn nở, dẫn tới khí áp gần mức thấp nhất.

Cấu trúc một cơn bão. Ảnh Đài Khí Tượng Thủy Văn Khu Vực Nam Trung Bộ.

2. Nguyên nhân hình thành bão

Khí quyển luôn diễn ra hiện tượng là không khí gần mặt đất nhận được lượng nhiệt cao hơn phía trên cao, tạo ra hiện tượng đối lưu theo chiều thẳng đứng, với không khí nhẹ và loãng ở phía dưới đi lên trên còn không khí bên trên bị đẩy xuống dưới.

Sự đối lưu (hay vòng tuần hoàn) này càng diễn ra nhanh và mạnh thì càng có khả năng hình thành bão.

Nhưng để duy trì cơ chế này cần một điều kiện nữa là luồng gió thổi ngang có cùng vận tốc với luồng gió theo chiều thẳng đứng, nếu không thì cơn bão sẽ biến mất ngay sau đó.

Quá trình này liên tục hút hơi nước để tạo mây, quá trình này sẽ giải phóng nhiệt lượng gọi là năng lượng ẩn nhiệt ngưng kết để tăng cường sức mạnh (điều này cũng giải thích tại sao bão chỉ sinh ra ở biển, tại các vĩ độ thấp từ 5 đến 20 vĩ độ quanh xích đạo nơi có nền nhiệt cao).

Cơn bão càng mạnh thì bán kính bão càng lớn, phạm vi ảnh hưởng càng tăng lên. Vì thế trên đường đi, cơn bão gặp các vùng biển ấm thì đây là một điều kiện thuận lợi để “tiếp thêm nhiên liệu” cho sức mạnh của nó!

Tóm lại, có 3 điều kiện hình thành bão là: Nhiệt, độ ẩm và động lực để tạo xoáy.

Tốc độ di chuyển và hướng di chuyển của bão lại phụ thuộc rất nhiều vào vị trí mà nó được sinh ra (thuộc bán cầu nào) vì có một lực có tên Coriolis (lực sinh ra do sự tự quay quanh trục của Trái Đất) đóng vai trò không nhỏ trong quá trình bão hình thành.

Theo đó, nếu bão sinh ra ở Bán Cầu Bắc thì sẽ có xu hướng di chuyển lệch về bên phải, còn bão hình thành ở Nam Bán Cầu luôn di chuyển lệch về bên trái, điều này giải thích tại sao các cơn bão ở biển Đông thường đi vào Việt Nam.

3. Điều gì khiến cơn bão suy yếu?

Trên báo Kiến Thức, ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, cho biết “tuổi đời” của một cơn bão thường chỉ kéo dài từ 3 đến 10 ngày.

Vậy lý do gì khiến một “quái vật” khủng khiếp như nó lại tồn tại trong thời gian ngắn như vậy?

Sự suy yếu này có hai nguyên nhân chính:

– Bão đi vào vùng biển lạnh như đi vào vũng vĩ độ cao (ngoài vùng xích đạo) khiến gradient áp suất giảm, tốc độ gió chậm lại, khi đó nó không được tiếp “nhiên liệu” và dần tan biến.

– Bão đi vào đất liền sẽ bị mất nguồn cung cấp độ ẩm (nguồn này là nước biển bốc hơi nếu nó di chuyển trên biển), kết hợp với địa hình không bằng phẳng làm giảm tốc độ gió, khiến tốc độ bão chậm lại và dần thu hẹp diện tích vào tâm bão cho tới khi biến mất).

Điều này giúp chúng ta hiểu được tại sao sau khi đi vào đất liền thì cơn bão sẽ tất yếu suy yếu chứ không thể tiếp tục mạnh hơn để đi sâu vào bên trong.

Từ những kiến thức cơ bản trên, hãy nhìn lại cơn bão số 10 được đánh giá là cơn bão mạnh đầu tiên được đưa ra cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp độ 4 đi vào Việt Nam.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên VTC14, ông Trần Quang Năng – Trưởng phòng dự báo hạn ngắn thuộc Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương, cho biết nguyên nhân khiến bão số 10 đổi hướng và mạnh lên một cách nhanh chóng là do sự tương tác giữa cơn bão số 10 và bão Talim trước đó.

Tuy nhiên, sau đó thì tách xa nhau nên sự ảnh hưởng này cũng không còn nên hiện đã di chuyển ổn định hơn theo hướng Tây Tây Bắc.

Trong quá khứ, đã có nhiều trường hợp bão đổi hướng hay đi chệch hướng so với quỹ đao ban đầu như trường hợp bão Ketsana (2009) hay thậm chí quay ngược trở ra như bão Hagibis (2007).

Hai cơn bão đang hoành hành là Doksuri và Talim. Nguồn ảnh: VTC14.

Về nguyên nhân khiến cho bão gia tăng cường độ khi tới gần đất liền Việt Nam và đẩy nhanh tốc độ di chuyển, đó là do nền nhiệt nước biển ấm mà cơn bão đi qua đã “tiếp thêm nhiên liệu” cho bão số 10 – ông Năng lý giải.

Nhiệt độ nước biển ấm sẽ tạo điều kiện cho hơi nước bốc hơi nhanh hơn, cung cấp nguồn năng lượng đáng kể cho cơn bão như “thêm dầu vào lửa” trước khi đổ bộ vào đất liền. Do đó, lượng mưa và sức tàn phá của cơn bão này lại càng trở nên đáng sợ.

Đã có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng nhiệt độ bề mặt nước biển cao chính là lý do khiến cho một cơn bão trở nên mạnh hơn. Bạn có thể đọc thêm về vấn đề này tại đây.

Sự tác động của nhiệt độ làm tăng lượng hơi nước bốc lên. Ảnh việt hóa từ nguồn Global For Life. Việt hóa: Hoa Hướng Dương

 

Kết quả là bão mạnh hơn khi đi qua vùng nhiệt ấm. Ảnh việt hóa từ nguồn Global For Life. Việt hóa: Hoa Hướng Dương

Bài viết tham khảo các nguồn: Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, VTC14 Ieyenews.com, Qmt.vn, soha.vn.

Sa mạc khô cằn nhất thế giới biến thành biển hoa muôn màu

Biển hoa trải dài ngút mắt bỗng chốc bừng nở trên vùng đất sa mạc quanh năm hầu như không có mưa ở Chile.

Xem tại đây

Sa mạc Atacama ở Chile, khu vực được Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) xem là khô cằn nhất trên Trái Đất, chuyển mình gần như chỉ sau một đêm từ vùng đất trống trải thành biển hoa nhiều màu rực rỡ. Đó là do những cơn mưa lớn giữa tháng 8 khiến hàng nghìn bông hoa nở bừng, theo National Geographic.

Hiện tượng này có tên florido (sa mạc nở hoa), xảy ra định kỳ ở Atacama. Thời gian biển hoa xuất hiện là sau 5-7 năm/lần, nhưng đợt hoa nở năm nay chỉ cách lần nở trước đó hai năm (năm 2015).

Các nhà chức trách cho biết có thể nhiều hoa sẽ nở thêm trong những tuần tới bởi một số loài nảy mầm muộn hơn những loài khác. Hơn 200 loài hoa khác nhau có thể được tìm thấy trên sa mạc.

Hiện tượng hoa nở rộ không chỉ xảy ra ở Atacama mà diễn ra ở mọi sa mạc có số lượng hoa lớn thuộc loài cây lâu năm (perennial). Dù đồng loạt nở rộ, hoa thường nhanh tàn do môi trường khắc nghiệt của sa mạc.

Hạt giống những cây lâu năm trên sa mạc thường nằm im lìm nhiều tháng hoặc nhiều năm và rất khó nhận biết. Chỉ khi nước mưa trút xuống cuốn trôi lớp vỏ bảo vệ, hạt giống mới nảy mầm. Đầu mùa xuân, Chile có lượng mưa lớn, tạo ra điều kiện lý tưởng cho hoa nở rộ sớm vài năm so với dự kiến.

Sa mạc Atacama là một dải đất trải dài 1.600 km dọc theo vùng ven biển phía tây bắc Chile. Sa mạc này khô cằn tới mức một số khu vực chưa từng có mưa và rất ít động thực vật hay thậm chí vi khuẩn có thể tồn tại. Những loài cây lâu năm và cây mọng nước thông thường chỉ phân bố ở vùng lòng chảo tích tụ nhiều nước.

Những cao nguyên đẹp mê hồn ở Việt Nam

Nếu muốn tận hưởng không khí trong lành và bình yên, hãy ghé thăm những cao nguyên đẹp nhất Việt Nam. Trải dài từ vùng cao phía Bắc đến miền đất đỏ Tây Nguyên hoang sơ, vùng cao nguyên sẽ là nơi cả đất trời hòa hợp và khiến bạn có một chuyến đi đáng nhớ.

Cao nguyên Đồng Văn

Cao nguyên Đồng Văn nằm ở độ cao trung bình 1.000-1.600 m so với mực nước biển. Đồng Văn là một trong những cao nguyên đẹp ở nước ta với 80% diện tích đá vôi với vô vàn mẫu hóa thạch có tuổi đời từ 400-600 triệu năm, rất có ích trong nghiên cứu khảo cổ.

Nằm cách thị xã Hà Giang 132 km, cao nguyên đá Đồng Văn thuộc 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc.

Nơi đây được công nhận là công viên địa chất toàn cầu của UNESCO.

Nơi đây được công nhận là công viên địa chất toàn cầu của UNESCO.

Đồng Văn hấp dẫn bởi sự xanh mướt của núi đá vôi trùng điệp, hiểm trở, và vô vàn mẫu hóa thạch có tuổi đời từ 400 – 600 triệu năm. Bên cạnh đó, nơi đây còn có sự đa dạng, độc đáo trong bản sắc văn hóa do có đến 17 dân tộc thiểu số sinh sống tại đây.

Trập trùng những ngọn núi hiểm trở, ngút mắt những cánh đồng hoa đẹp ngỡ ngàng, choáng ngợp trước những thửa ruộng bậc thang mênh mông,… Cao nguyên đá vôi Đồng Văn chính là vùng đất mang cảnh sắc độc đáo bậc nhất ở Việt Nam, chứa đựng dấu ấn về lịch sử hình thành và phát triển của vỏ trái đất.

Hãy chuẩn bị thật kỹ máy ảnh của mình trước khi đặt chân đến đây vì chắc chắn, bạn sẽ ấn tượng trước vẻ đẹp hùng vĩ của Đồng Văn và không nỡ bỏ qua bất kỳ góc chụp nào.

Cao nguyên Pleiku

Cao nguyên Pleiku có độ cao trung bình 800 m, được thiên nhiên ưu ái ban tặng cảnh sắc tuyệt đẹp với rừng thông, biển hồ bạt ngàn, thoang thoảng hương hoa rừng. Đến Pleiku, bạn sẽ không gặp phải cảnh xô bồ của các hàng quán kinh doanh, khách du lịch chen chúc mà có thể thoải mái hít thở khí trời trong lành, tận hưởng khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, thanh bình của vùng cao.

Đây là lựa chọn lý tưởng cho những ai muốn tìm một nơi hoàn toàn yên bình, vắng lặng để thoát khỏi sự ồn ào, bon chen của chốn thành thị

Đây là lựa chọn lý tưởng cho những ai muốn tìm một nơi hoàn toàn yên bình, vắng lặng để thoát khỏi sự ồn ào, bon chen của chốn thành thị

Đến Pleiku, bạn có cơ hội tìm hiểu vô số cảnh quan thiên nhiên đặc sắc như thác Phú Cường, biển hồ Tơ Nưng, đỉnh núi Hàm Rồng, thác chín tầng…. Thời điểm đẹp nhất để khám phá Pleiku là vào mùa khô và đặc biệt là những tháng cuối năm như tháng 11, 12. Đây là lúc Tây Nguyên phủ kín sắc vàng, màu vàng ươm của lúa chín trên các nương đồi, màu vàng rực của hoa dã quỳ nở khắp các nẻo đường.

Bên cạnh đó, đây còn là mùa của các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc diễn ra như Lễ Mừng lúa mới, Lễ ăn cơm mới, Lễ hội đâm trâu,…

Du khách đến Pleiku đừng quên thưởng thức ẩm thực Pleiku đa dạng với nhiều món ăn hấp dẫn như thịt bê nướng lồ ô, gà nướng, cơm nướng ống hay cơm chiên bồ câu… và đặc biệt là một ly cà phê đậm đà mang hương vị núi rừng Tây Nguyên.

Cao nguyên Đắk Lắk

Cao nguyên Đắk Lắk hay còn gọi là cao nguyên Buôn Ma Thuột, thuộc tỉnh Đắk Lắt nằm ở độ cao 800 m so với mặt nước biển.

Nằm ở vị trí trung tâm tỉnh, cao nguyên rộng lớn chạy dài từ Bắc xuống Nam trên 90 km, từ Đông sang Tây 70 km.

Nằm ở vị trí trung tâm tỉnh, cao nguyên rộng lớn chạy dài từ Bắc xuống Nam trên 90 km, từ Đông sang Tây 70 km.

Đây là một trong những vùng giàu tiềm năng du lịch của Việt Nam, nổi tiếng nhất là bản Đôn với truyền thống săn, thuần dưỡng voi rừng và Buôn Ma Thuột – thủ phủ cà phê Việt. Đắk Lắk là nơi cư trú của các bản người Ê Đê, người Mông với nền văn hóa cồng chiêng đáng ngưỡng mộ cùng nhiều công trình cổ đáng tham quan như tòa giám mục, biệt điện Bảo Đại… cùng nhiều lễ hội độc đáo.

Bên cạnh đó, du khách cũng được thưởng thức nhiều món ăn ngon như cơm lam, gà nướng, thịt nai, lẩu cá lăng, măng le, cà đắng…

Cao nguyên Mộc Châu

Cao nguyên Mộc Châu thuộc huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, có độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển. Mộc Châu cách Hà Nội khoảng 200 km, là một trong những điểm đến đẹp được nhiều du khách yêu thích bởi khí hậu trong lành, quanh năm mát mẻ.

Mộc Châu nức tiếng gần xa bởi những mùa hoa đẹp ngây ngất như hoa mận, hoa cải, hoa ban, hoa đào rừng,…

Mộc Châu nức tiếng gần xa bởi những mùa hoa đẹp ngây ngất như hoa mận, hoa cải, hoa ban, hoa đào rừng,…

Đến Mộc Châu bất kỳ thời điểm nào trong năm bạn cũng có thể được ngắm những cánh đồng hoa trải dài đến hút mắt. Mỗi mùa trong mang vẻ đẹp khác nhau tùy theo mùa của từng loại hoa nở nên bạn còn phải ghé thăm Mộc Châu nhiều lần nữa mới khám phá được hết cảnh sắc thiên nhiên của núi rừng Tây Bắc.

Đến Mộc Châu ngoài việc chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên của núi rừng, du khách còn được thưởng thức các đặc sản của người dân tộc miền núi như bê chao, cá suối, thịt trâu gác bếp, khoai sọ mán, cải mèo,… ăn một lần là nhớ mãi.

Cao nguyên Lâm Viên

Cao nguyên Lâm Viên là một trong những điểm du lịch hàng đầu ở Tây Nguyên bởi phong cảnh đẹp, khí hậu mát mẻ.

Cao nguyên Lâm Viên nổi tiếng về vẻ đẹp hùng vĩ gắn liền với truyền thuyết tình yêu của một đôi.

Cao nguyên Lâm Viên nổi tiếng về vẻ đẹp hùng vĩ gắn liền với truyền thuyết tình yêu của một đôi.

Nơi đây có khá nhiều điểm dừng chân thú vị cho du khách như thành phố Đà Lạt với hồ Xuân Hương, hồ Than Thở, các đỉnh núi cao như Lang Biang, Bi Doup… hay những ngọn thác lớn như thác Prenn, Gù Gà, thác Voi, thác Cam Ly…

Hàng năm vào tháng 11-12, mùa hoa dã quỳ nở rộ càng tô điểm thêm sắc vàng rực rỡ cho vùng cao nguyên xinh đẹp.

Cao nguyên Bắc Hà

Cao nguyên Bắc Hà hay còn gọi là cao nguyên trắng, nằm giữa 2 tỉnh Lào Cai và Hà Giang với diện tích trải dài ra các huyện Bắc Hà, Si Ma Cai, Xín Mần và Hoàng Su Phì.

Bắc Hà từng được gọi với cái tên "cao nguyên trắng", bởi trước đây, nơi này trồng khá nhiều hoa anh túc.

Bắc Hà từng được gọi với cái tên “cao nguyên trắng”, bởi trước đây, nơi này trồng khá nhiều hoa anh túc.

Cao nguyên có độ cao trung bình 1.000 mét, cao nhất là đỉnh Kiều Liêu Ti. Cũng giống như Đồng Văn, cao nguyên Bắc Hà là cao nguyên đá vôi, nổi tiếng với giống mận Bắc Hà do đồng bào miền núi trồng. Nơi đây cũng có nhiều nét văn hóa đặc sắc, nổi bật là các phiên chợ Bắc Hà đầy màu sắc.

Ngoài ra, chợ phiên với đầy đủ những sản vật của đồng bào miền núi cũng là một điểm đến thú vị mà du khách không nên bỏ qua khi có dịp đến đây.

Cao nguyên Lang Biang (Lâm Đồng)

Cao nguyên Lang Biang còn được gọi là cao nguyên Lâm Viên, với độ cao trung bình khoảng 1.500 m so với mực nước biển. Phía nam cao nguyên chính là thành phố Đà Lạt thơ mộng.

Vẻ đẹp kì bí của cao nguyên Lang Biang nhìn từ xa.

Vẻ đẹp kì bí của cao nguyên Lang Biang nhìn từ xa.

Cao nguyên Lang Biang sở hữu nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng mà ai đến với Đà Lạt đều đã từng ghé qua như đỉnh núi Lang Biang, hồ Xuân Hương, hồ Than Thở, suối Vàng, thác Cam Ly, thác Prenn,…

Do đa dạng về địa hình, sinh học, dịch vụ du lịch chất lượng và khí hậu mát mẻ quanh năm, cao nguyên Lang Biang luôn khiến nhiều du khách đã đến đây đều muốn hẹn dịp trở lại lần nữa. Thời điểm lý tưởng để tham quan cao nguyên Lang Biang là vào cuối năm – đầu xuân để được “mãn nhãn” với ngàn hoa khoe sắc thắm.

Cao nguyên Di Linh

Cao nguyên Di Linh là một trong 2 cao nguyên bao phủ diện tích của tỉnh Lâm Đồng. Tuy không nổi tiếng như cao nguyên Lang Biang, nhưng nơi này mang trọn vẻ đẹp mộc mạc, chân chất của miền quê vùng cao vẫn chưa được du lịch hóa. Cao nguyên Di Linh có khí hậu mát mẻ, đồi núi trập trùng cùng những con đường quanh co, uốn lượn.

Vẻ đẹp mộc mạc của cao nguyên Di Linh.

Vẻ đẹp mộc mạc của cao nguyên Di Linh.

Đất đỏ bazan màu mỡ là điều kiện thuận lợi để trồng cà phê, chè cùng ruộng bậc thang. Vào mùa dã quỳ, đoạn qua đèo Phú Hiệp là một trong những cung đường được nhiều bạn trẻ đến săn ảnh.

Ngoài ra, đến cao nguyên Di Linh, du khách cũng nên ghé qua trại phong để trải nghiệm không gian yên bình, thanh tịnh nơi đây.

 

Núi rừng Tây Bắc qua 4 mùa hoa

Có lẽ thiên nhiên rất ưu ái cho đất trời Tây Bắc khi hội tụ những mùa hoa đẹp nhất tại đây. Trải qua 4 mùa trong năm, Tây Bắc lại mang theo những mùa hoa rất riêng biệt.

Chưa bao giờ Tây Bắc không thôi quyến rũ du khách, đặc biệt những người yêu thiên nhiên bằng khung cảnh hùng vĩ với cảnh sắc đến mê hồn. Có khi nào thiên nhiên quá ưu ái cho đất trời Tây Bắc khi những mùa hoa đẹp nhất đều hội tụ ở nơi này. Nhắc đến những cánh đồng hay sườn đồi trải đầy hoa lá, người ta sẽ không thôi nhớ về mảnh đất vùng cao ấy.

Trải qua 4 mùa trong năm, Tây Bắc mang theo những mùa hoa của riêng mình.

Xuân của mơ mận trắng, đào hồng tươi

Mùa của hoa mơ hoa mận nở trắng rừng

Hoa đào vùng cao

Mùa của hoa mơ, hoa mận, hay những cành đào phai đã trở thành thương hiệu riêng của vùng núi miền bắc. Khi đất trời chuyến xuân, khắp núi rừng đồi nương là sắc đào phai phơn phớt dưới nắng.

Ban trắng như nét đẹp dịu dàng duyên ngầm của người thiếu nữ

Ban trắng như nét đẹp dịu dàng duyên ngầm của người thiếu nữ

Chuyến phượt từ Yên Bái tới Lào Cai, du khách sẽ nhận thấy những thảm hồng, trắng xen kẽ mềm mại giữa đất trời. Vạn vật bừng tỉnh sau ngày đông tháng giá. Lẫn trong nét hoang sơ là sự lãng mạn của đất trời với màu hoa khoe sắc. Độ tháng 2 âm lịch hàng năm, tiết trời ấm hơn cũng là lúc hoa ban đua nở. Loài hoa muôn màu sắc từ trắng, đỏ đến tím, nhưng có lẽ thanh khiết và nổi bật nhất vẫn là ban trắng. Đừng quên chiêm ngưỡng sắc hoa của núi rừng với những cánh đồng hoa nở rộ ở Điện Biên hay Sơn La.

Đỗ quyên gọi hạ về

Giữa núi rừng đại ngàn, vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn là nơi được mệnh danh “vương quốc hoa đỗ quyên”. Có những cây hoa đỗ quyên nở gần như quanh năm, nhưng nhiều loài nở đẹp nhất lại vào dịp cuối xuân đầu hè. Tháng 4 hàng năm, khi tiết trời khô ráo cho chuyến chu du khám phá Tây Bắc, cũng là lúc loài hoa này rực rỡ cùng đất trời.

Đỗ quyên gọi hè về

Đỗ quyên gọi hè về

Hoa đỗ quyên ở Hoàng Liên Sơn khá đa dạng cả về màu sắc và kích thước. Trong đó gồm những màu chủ đạo như vàng, trắng, đỏ, hồng hay tím. Giữa những cung đường hiểm trở, dường như nét mềm mại cùng sự rực rỡ của màu hoa làm giảm đi cái mệt nhọc, tăng nguồn cảm xúc dạt dào trong suốt hành trình chinh phục. Những người yêu mảnh đất vùng cao chắc chắn không thể bỏ lỡ chuyến đi Tây Bắc để chiêm ngưỡng nét duyên thầm của loài hoa giữa đại ngàn.

Tam giác mạch chào thu

Cuối tháng 10 đầu tháng 11, trong cái nắng hanh hao của mùa thu, cũng là thời điểm tam giác mạch nở rộ. loài hoa đặc trưng của xứ đá tai mèo vốn được trồng làm cây thực phẩm giống như ngũ cốc, nhưng còn là biểu tượng của sức sống mãnh liệt với hình tượng hoa nở trên đá.

img20170206192917266-d96bc

Nơi rẻo cao Hà Giang, mùa hoa kéo dài từ tháng 10 tới tháng 12, vẫy gọi du khách về với vùng đất địa đầu Tổ quốc. Loài hoa nở vào độ tháng 10 thường có màu hồng, trong khi đó, cùng giống hoa nhưng vào tháng đầu năm lại nhỏ và mang màu trắng tinh khôi. Trên đường tới cao nguyên đá Đông Văn, dọc theo quốc lộ 4C, hoa ngập tràn bên thung lũng Pải Lủng, Sủng Là. Giữa bốn bề núi đá là những thảm hoa mềm mại, tinh khôi, mang sức sống bất diệt.

Mùa đông của mùa cải trắng

Sau hành trình rong ruổi tam giác mạnh, đến cuối tháng 11, hãy về với cao nguyên Mộc Châu, Sơn La, để ngắm những cánh đồng cải trắng mùa đông. Khi ấy, cơn gió lạnh của phương Bắc ùa về, cũng là lúc Mộc Châu đổi màu áo mới với vẻ giản dị mộc mạc của hoa cải.

img20170206192918498-d24b7

Một trong những điểm ngắm hoa lý tưởng đó là khu vực sau rừng thông bảng Áng, bản Ba Phách 1, 2, 3 hay khu vực Ngũ Động Bản Ôn. Hàng chục hecta cải trắng trải dài ngút ngàn như không có điểm dừng, kéo dài mãi tới chân trời phía xa.

Theo dantri