ĐỊA LÝ VÀ CUỘC SỐNG

Trang chủ » Tin tức – Sự kiện

Category Archives: Tin tức – Sự kiện

Tam Hiệp – đập lớn nhất thế giới gây nhiều tranh cãi

Giới chức Trung Quốc khẳng định đập Tam Hiệp có cấu trúc tuyệt đối an toàn, song nhiều người lo ngại về nguy cơ vỡ đập khi mưa lớn liên tục xuất hiện.

Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Xinhua hôm 29/6 đưa tin các nhà vận hành đã mở hai đập tràn của đập Tam Hiệp vào sáng cùng ngày, đánh dấu lần xả lũ chính thức đầu tiên của con đập trong năm nay.

Gần đây mưa lớn xuất hiện trên các nhánh sông ở thượng nguồn sông Trường Giang và dòng chảy vào Hồ chứa Tam Hiệp bắt đầu tăng vào chiều 27/6. Đến 14h ngày 28/6, dòng chảy vào Hồ chứa Tam Hiệp đạt 40.000 m3/giây, gấp đôi lượng ngày hôm trước. Để đối phó với nguồn nước ồ ạt tràn về, giới chức ra lệnh ngưỡng xả hàng ngày của Hồ chứa Tam Hiệp được tăng lên 35.000 m3/giây.

Hai đập tràn của đập Tam Hiệp xả lũ hôm 29/6. Ảnh: Xinhua.

Nhiều video xuất hiện cuối tuần trước cho thấy các thành phố ở hạ lưu đập Tam Hiệp bị ngập lụt và người dân lo ngại họ đang phải hy sinh để cứu đập. Người dân nghi ngờ lũ lụt liên quan đến đợt xả lũ khẩn cấp từ các cửa đập Tam Hiệp.

Đập Tam Hiệp của Trung Quốc là đập thủy điện lớn nhất thế giới, nằm trên sông Dương Tử, bắc quá tỉnh Hồ Bắc và thành phố Trùng Khánh, nơi có địa hình tương đối hiểm trở và lượng mưa dồi dào.

Quá trình xây dựng đập Tam Hiệp bắt đầu từ năm 1994 và đập đi vào vận hành đầy đủ các chức năng vào tháng 7/2012, với chiều dài 2.355 m và đỉnh đập cao 185 m trên mực nước biển. Công trình đã sử dụng 27,2 triệu m khối bê tông, chủ yếu cho thành đập, 463.000 tấn thép, đủ xây 63 tháp Eiffel, đào 102,6 triệu mét khối đất. Thành đập cao 181 m so với nền đá.

Mực nước đập cao tối đa 175m trên mực nước biển, cao hơn mực nước sông ở hạ nguồn 110 m, vùng hồ chứa có chiều dài trung bình khoảng 660 km, rộng 1,12 km, thể tích 39,3 km3 và tổng diện tích bề mặt nước 1.045 km2.

32 máy phát điện của đập thủy điện Tam Hiệp, mỗi máy nặng 6.000 tấn, sản xuất 22,5 triệu kilowatt điện, đủ cung cấp điện cho 60 triệu người dân Trung Quốc, theo Interesting Engineering.

Chi phí xây dựng đập lên tới hơn 30 tỷ USD tính từ thời điểm khởi công năm 1994.

Năm 2018, trạm thủy điện của đập Tam Hiệp đạt kỷ lục sản xuất 100.000.000 megawatt giờ điện. Ngoài sản xuất điện, đập Tam Hiệp còn sở hữu thang máy nâng tàu và khóa tàu lớn nhất thế giới. Khoảng 130 tàu đi qua đập Tam Hiệp mỗi ngày.

Năm 2017, một nghiên cứu đăng trên trang tin Futurism cho rằng sự dịch chuyển của khối lượng nước khổng lồ ở đập thủy điện Tam Hiệp khiến Trái Đất quay chậm hơn. Việc đẩy 42 tỷ tấn nước tại đập Tam Hiệp lên cao 175 mét so với mực nước biển sẽ làm tăng mô-men quán tính của Trái Đất, qua đó là chậm chuyển động xoay của địa cầu. Tuy nhiên, tác động gây ra là vô cùng nhỏ.

Chính phủ Trung Quốc từng ca ngợi đập Tam Hiệp là nguồn cung cấp năng lượng sạch khổng lồ và giúp con người “thuần phục” dòng sông dài nhất Trung Quốc. Tuy nhiên, những người phản đối xây đập nói nó sẽ gây nên nhiều hậu quả về môi trường và xã hội.

Khoảng 1,4 triệu người dân Trung Quốc phải rời bỏ nơi sinh sống để nhường chỗ cho dự án xây đập Tam Hiệp và hồ chứa. Nhiều di sản văn hóa đã bị nước nhấn chìm. Do lượng nước trong hồ chứa quá lớn – các nhà khoa học lo ngại lượng nước trong đất quá lớn sẽ khiến lở đất và nhiều hiện tượng địa chất bất thường khác sẽ xảy ra thường xuyên hơn. Các tổ chức bảo vệ môi trường cho rằng hồ chứa của đập làm giảm chất lượng nước ở hạ nguồn sông Dương Tử.

Tháng 8/2010, chính phủ Trung Quốc thừa nhận họ sẽ phải chi hàng tỷ USD để khắc phục những hậu quả môi trường dọc sông Dương Tử do ảnh hưởng từ đập Tam Hiệp, như tình trạng hàng triệu tấn rác đổ xuống sông. Truyền thông địa phương nói rằng ở nhiều vị trí trên sông, rác tạo thành những mảng lớn đến nỗi người dân có thể bước trên chúng. Những mảng rác như vậy có thể gây nghẽn đập.

Trước những lo lắng về nguy cơ vỡ đập, giới chức Trung Quốc khẳng định cấu trúc của đập Tam Hiệp rất an toàn nhưng theo nhà thủy văn học Wang Weiluo, chất lượng của con đập không tốt và không thể chống lũ lụt.

Wang cho hay sau trận lũ lụt nghiêm trọng hồi năm 1998 ở lưu vực sông Dương Tử khiến hơn 4.000 người thiệt mạng, Thủ tướng Trung Quốc lúc bấy giờ đã thuê các chuyên gia phương Tây đến đánh giá kiểm soát chất lượng của công trình. Các chuyên gia nói rằng mối hàn các thanh thép tại đập không đáp ứng tiêu chuẩn.

Các công nhân Trung Quốc khi đó tỏ ra không hài lòng, cáo buộc những chỉ trích từ chuyên gia phương Tây là hành động phân biệt chủng tộc.

Theo Wang, đập Tam Hiệp không có một cơ quan riêng biệt để kiểm tra chất lượng công trình. Đội ngũ thiết kế và xây dựng con đập tự thực hiện công đoạn này.

Khi đập mới đi vào vận hành, truyền thông Trung Quốc tuyên bố đập Tam Hiệp có thể chống lại trận lũ tồi tệ nhất trong 10.000 năm. Nhiều năm sau, họ giảm con số xuống 1.000 năm và tiếp tục một năm sau, con số chỉ còn 100 năm.

Hồi năm ngoái, các bức ảnh trên Google Map cho thấy một đoạn của đập Tam Hiệp bị lõm giống như nó đang phải chịu sức ép rất lớn. Tập đoàn đập Tam Hiệp sau đó lên tiếng trấn an công trình vẫn an toàn, rằng những biến dạng vẫn có thể xảy ra nhưng không làm ảnh hưởng đến đập bởi vẫn trong độ đàn hồi an toàn.

Vị trí đập Tam Hiệp trên sông Trường Giang. Đồ họa: CNN.

 

Tại sao lỗ hổng tầng ozone tại Bắc Cực vừa đột ngột đóng lại?

Có lý do và đã xác định được nó, nhưng khoa học vẫn chưa tường tận tại sao yếu tố gây thủng tầng ozone lại đặc biệt mạnh trong những tháng đầu năm nay.

Có lẽ bạn không lạ lẫm gì với lỗ hổng tầng ozone lơ lửng trên bầu trời Nam Cực. Trong những tháng đầu năm 2020 này, có hai tin lớn liên quan tới tầng ozone – lá chắn tia cực tím của Trái Đất mà bạn nên biết.

Tin xấu: trong khoảng thời gian từ tháng Ba tới tháng Tư, trên bầu trời Bắc Cực xuất hiện một khu vực có mức ozone giảm đáng kể.

Tin tốt: lỗ hổng này vừa khép lại tuần trước.

Tầng ozone là lớp chắn bức xạ Mặt Trời tự nhiên của Trái Đất.

Cũng phải nói thêm, lỗ hổng tầng ozone này không phải mối nguy đáng lo ngại, và việc nó đột ngột khép lại dù lạ thường, nhưng không khiến giới khoa học bất ngờ. Theo lời giáo sư Paul Newman, giám đốc Ban Khoa học Trái Đất của Trung tâm Du hành Không gian Goddard của NASA, thì đây là sự kiện có thể xuất hiện với tần suất khoảng một lần mỗi thập kỷ.

Trong quá khứ, hai lần lỗ hổng tầng ozone đóng lại là vào năm 1997 và 2011, cũng là hai khoảng trời xuất hiện bên trên Bắc Cực. Tuy nhiên, số đo cho thấy lượng ozone đầu năm nay ít hơn hẳn những lần hổng trước. Quan trọng hơn nữa, những số đo lượng ozone gần đây không thấp như lỗ hổng bên trên Nam Cực. Hiện tại, lỗ hổng tầng ozone Nam Cực này đang dần hồi phục.

Dù cùng tên, hai lỗ hổng tầng ozone ở hai cực lại mang tính chất khác nhau, không thể đem ra so sánh. Giáo sư Newman nhận định nếu mà hiện tượng lỗ hổng đóng đột ngột này mà xảy ra ở Nam Cực, tất cả chúng ta đã co thể hò reo vui sướng.

Tại sao lại xuất hiện lỗ hổng tầng ozone tại Bắc Cực?

Một trong những lý do chính là hiện tượng lốc cực – polar vortex, một dòng khí xoáy xuất hiện tại Cực khi đông tới. Nhà khoa học Antje Innes công tác t tại Đơn vị Giám sát Khí quyển Copernicus thuộc EU nói rằng các dòng khí xoáy năm nay đặc biệt mạnh và kéo dài lâu.

Khí lạnh bị khóa chặt tại Bắc Cực, không còn tràn xuống các khu vực cận Cực tại Bán Cầu Bắc. Thứ khí lạnh (tới -78 độ C) khiến mây hình thành trên tầng bình lưu, nơi lá chắn ozone trú ngụ. Những đám mây lạnh này tạo ra môi trường lý tưởng cho CFC – các chất nhân tạo làm tổn hại tầng ozone đã bị cấm từ nhiều thập kỷ nay – tương tác với ánh nắng, tạo ra clo ăn mòn tầng ozone.

Hơn nữa, lốc cực ngăn không khí giàu ozone từ những nơi khác tới Bắc Cực, lại càng khiến lượng ozone tại vùng lạnh giá này ngày một giảm.

Phần màu đỏ tượng trưng cho không khí tập trung tại điểm diễn ra lốc cực, và chúng sẽ ở nguyên đó trừ khi có luồng không khí mới thổi tới từ bên ngoài.

Nhưng tuần vừa rồi, lốc cực tan đi, cho phép không khí giàu ozone tràn lên Bắc Cực, gần như ngay lập tức giải quyết hiện tượng thiếu hụt ozone diễn ra nơi đây. Về cơ bản, lỗ hổng tầng ozone tại Bắc Cực đã đóng lại. Và cũng may chính phủ các nước đã cấm lưu hành CFC từ lâu, nên vụ việc thủng tầng ozone lần này không để lại hậu quả phức tạp.

Tuy nhiên, khoa học vẫn còn câu hỏi chưa lời giải đáp: tại sao lốc cực năm nay lại đặc biệt mạnh? Để tìm được sự thật, các nhà nghiên cứu phải tiếp tục theo dõi các biến động tương lai và phân tích những hiện tượng diễn ra gần đây, hòng tìm được câu trả lời.

Theo Tri thức trẻ

‘Ổ bão’ dữ dội nhất hành tinh tại châu Á: Sinh ra siêu bão hủy diệt, cướp đi sinh mạng 5.000 người

Các nhà khí tượng thế giới cho hay, trung bình mỗi năm trên Trái Đất xuất hiện khoảng 86 cơn bão, trong đó 46 cơn xếp hàng ‘bão nhiệt đới’, khoảng 20 cơn còn lại đạt sức mạnh của một ‘siêu bão nhiệt đới‘, đạt cường độ ít nhất là Cấp 3 (sức gió từ 178-208 km/h) trên thang bão Saffir-Simpson, Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) thông tin.

Tiffany Means, chuyên gia khoa học khí quyển và khí tượng học thuộc Đại học Bắc Carolina (Mỹ) cho biết, bão nhiệt đới hình thành trên đại dương cần phải đảm bảo 2 điều kiện: (1) Bề mặt nước biển (sâu 46 mét) phải ấm ít nhất là 27 độ C; (2) Vùng nước biển hình thành bão phải cách xích đạo ít nhất 483km.

Trên Trái Đất có 7 ổ bão thỏa mãn cả 2 điều kiện trên, bao gồm các lưu vực: Đại Tây Dương, Đông Thái Bình Dương, Tây Bắc Thái Bình Dương, Tây Nam Thái Bình Dương, Bắc Ấn Độ Dương, Tây Nam Ấn Độ Dương, Đông Nam Ấn Độ Dương.

Tây Bắc Thái Bình Dương là lưu vực bão hoạt động mạnh nhất trên Trái Đất. Ảnh minh họa: Internet

Trong số 7 ổ bão này, Tây Bắc Thái Bình Dương là lưu vực bão hoạt động mạnh nhất trên Trái Đất, gần 1/3 tổng số bão nhiệt đới trên Trái Đất đều xảy ra ở đây. Ngược lại, Bắc Ấn Độ Dương lại là lưu vực ‘hiền hòa’ nhất so với 6 lưu vực còn lại trên thế giới.

Chuyên gia Tiffany Means phân tích cụ thể 7 ổ bão được ví như những ‘hố bom nổ chậm’ trên Trái Đất dưới bài viết sau đây:

Mùa bão Đại Tây Dương trung bình tạo ra 12 cơn bão được đặt tên, trong đó có 6 cơn bão mạnh và 3 trong số đó trở thành bão lớn (cấp 3, 4 hoặc 5). Những cơn bão này bắt nguồn từ cơn sóng nhiệt đới, xoáy thuận ngoài nhiệt đới trên vùng nước ấm hoặc Frông thời tiết cũ.
Trung tâm Bão quốc gia thuộc NOAA (Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ) là cơ quan chịu trách nhiệm đưa ra các thông tin và cảnh báo thời tiết nhiệt đới lưu vực Đại Tây Dương.

Với trung bình 16 cơn bão được đặt tên mỗi mùa, 9 cơn bão và 4 siêu bão, lưu vực Đông Thái Bình Dương được xem là khu vực bão hoạt động mạnh thứ hai trên thế giới.

Những cơn bão thuộc lưu vực này hình thành từ cơn sóng nhiệt đới và thường đi về phía tây, tây bắc hoặc bắc. Khi bão di chuyển theo hướng đông bắc, băng qua lưu vực Đại Tây Dương, lúc đó chúng không còn là một cơn bão Đông Thái Bình Dương mà là một cơn bão nhiệt đới Đại Tây Dương.

Ngoài việc theo dõi và dự báo các cơn bão nhiệt đới cho lưu vực Đại Tây Dương, Trung tâm Bão quốc gia thuộc NOAA cũng thực hiện công tác này cho vùng Đông Thái Bình Dương.

Rìa xa nhất của lưu vực Đông Thái Bình Dương được gọi là lưu vực Trung tâm Thái Bình Dương hoặc Trung Bắc Thái Bình Dương. Tại đây, mùa bão kéo dài từ ngày 1/6 đến ngày 30/11 hàng năm.

Trách nhiệm giám sát bão Trung tâm Thái Bình Dương thuộc thẩm quyền của Trung tâm Bão lưu vực Trung tâm Thái Bình Dương (CPHC) của NOAA.

Tây Bắc Thái Bình Dương là lưu vực bão hoạt động mạnh nhất trên Trái Đất. Gần 1/3 tổng số bão nhiệt đới trên thế giới xảy ra ở đây. Ngoài ra, phía Tây Thái Bình Dương cũng nổi tiếng là nơi sinh ra những siêu bão dữ dội nhất hành tinh.

Không giống như các cơn bão nhiệt đới ở các nơi khác trên thế giới, các cơn bão tại lưu vực này không chỉ được đặt theo tên của con người, mà còn được đặt theo tên của những thứ trong tự nhiên như động vật, hoa…

Một số quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Philippines, chia sẻ trách nhiệm giám sát lưu vực này thông qua Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) và Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp Mỹ (JTWC) – Là lực lượng liên hợp giữa Hải quân và Không quân Mỹ, đóng tại Trân Châu Cảng, Hawaii.

Ví dụ về siêu bão dữ dội tại ‘ổ bão’ Tây Bắc Thái Bình Dương: 

Bão Tip năm 1979, đổ bộ Philippines – Cơn bão nhiệt đới mạnh nhất và có kích thước lớn nhất từng được ghi nhận trong lịch sử khí tượng. Tại thời điểm đạt đỉnh, bão Tip bao phủ một vùng có đường kính lên tới 2.220 km. Bão Tip khiến tổng gần 100 người thiệt mạng.

[Siêu bão Hagibis tháng 10/2019 bao phủ một vùng có đường kính lên tới 1.400 km; áp suất không khí hiện tại là 900 hPa]. (Độc giả xem chi tiết về thiệt hại của bão Hagibis đổ bộ Nhật Bản ngày 12/10/2019 tại đây).

Siêu bão Vera tháng 9/1959 là một siêu bão cấp 5 trên thang bão Saffir-Simpson. Với áp suất không khí đạt 895 hPa, Vera sau đó đổ bộ vùng Kansai Nhật Bản, khiến nó trở thành siêu bão khủng khiếp nhất trong lịch sử hiện đại của Nhật Bản.

 

Các cơn bão nhiệt đới tại lưu vực này được theo dõi chính thức bởi Cơ quan Khí tượng Fiji và Cơ quan MetService của New Zealand.

Trung bình mỗi mùa bão, lưu vực Nam Thái Bình Dương xuất hiện khoảng 9 cơn bão nhiệt đới, một nửa trong số đó là siêu bão, bão mạnh.

Bắc Ấn Độ Dương lại là lưu vực ‘hiền hòa’ nhất so với 6 lưu vực còn lại trên thế giới. Trung bình mỗi năm, nơi đây chỉ xuất hiện từ 4 đến 6 cơn bão nhiệt đới. Dẫu vậy, những cơn bão nhiệt đới tại Bắc Ấn Độ Dương được xem là những cơn nguy hiểm nhất trên thế giới.

Khi bão đổ bộ vào các quốc gia đông dân như Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, không có gì lạ khi chúng cướp đi hàng ngàn sinh mạng.

Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) có trách nhiệm dự báo, đặt tên và đưa ra cảnh báo về các cơn bão nhiệt đới ở lưu vực Bắc Ấn Độ Dương.

 

Trung tâm Khí tượng Quốc gia Pháp (MFR) và Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp Mỹ (JTWC) là lực lượng đảm nhận nhiệm vụ thông tin, dự báo về tình hình thời tiết nhiệt đới tại lưu vực Tây Nam Ấn Độ Dương.

Tính đến năm 2002 đến nay, trung bình cứ 54 ngày trong lưu vực này lại xuất hiện hệ thống nhiệt đới, trong đó có nhiều cơn bão nhiệt đới hoạt động hoặc hệ thống có sức gió trên 120 km/giờ.

 

Tin mới nhất về song bão châu Á: 2 cơn bão ‘đánh’ vào duy nhất quốc gia nào?

Đặc điểm của hai cơn bão Neoguri và Bualoi này là có độ ẩm rất lớn, khả năng gây ra những trận mưa như trút xuống khu vực nó đổ bộ.
Năm 2019 chứng kiến không ít lần song bão (2 cơn bão cùng lúc) xuất hiện tại lưu vực Tây Thái Bình Dương. Mới đây nhất, sự hiện diện của song bão Neoguri và Bualoi một lần nữa chứng minh Tây Thái Bình Dương (gồm Biển Đông) là ‘ổ bão’ dữ dội nhất trên Trái Đất.

Vậy quốc gia châu Á nào đang phải hứng chịu cùng lúc song bão Neoguri và Bualoi này? Câu trả lời là Nhật Bản – quốc gia còn chưa khắc phục hết tình trạng mà cơn bão Hagibis đổ bộ ngày 12/10 khiến ít nhất 80 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương và gây lũ lụt diện rộng.

Theo tin tức dự báo thời tiết mới nhất của NASA, nếu như bão Neoguri đang di chuyển dọc theo bờ biển phía Bắc Nhật Bản thì bão Bualoi dự báo sẽ ‘đánh’ vào miền Đông Nhật Bản trong tuần này và tiếp tục mạnh dần lên.

Tin mới nhất về song bão châu Á: 2 cơn bão đánh vào duy nhất quốc gia nào? - Ảnh 1.

Đặc điểm báo động của song bão tiến về Nhật Bản lần này là: Tuy 2 cơn bão đang duy trì sức mạnh ở Cấp 2 (đối với bão Neoguri) và Cấp 3, khả năng tăng lên Cấp 4 (đối với bão Bualoi) trên thang bão Saffir-Simpson thì sự nguy hiểm của chúng lại đến từ khả năng gây mưa rất lớn trên diện rộng.

Vệ tinh của Chương trình Đo mưa toàn cầu (GPM) do Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) và NASA phối hợp thực hiện cho thấy cả hai cơn bão này (tuy không mạnh như bão Hagibis tính cho đến thời điểm này) đều trút xuống Nhật Bản những trận mưa lớn, buộc Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) phải ra cảnh báo về lở đất, lũ lụt diện rộng.

Nếu như bão Neoguri được JMA xếp loại là xoáy thuận ngoài nhiệt đới (extratropical cyclone), loại bão có khả năng sinh ra bất cứ thứ gì từ mây mù và mưa đến gió lớn, dông bão, lốc xoáy – thì bão Bualoi được các chuyên gia khí tượng châu Âu thiết lập mô hình cho thấy độ ẩm cực lớn mà cơn bão này có được trong hệ thống bão của nó.

Khi những hậu quả nặng nề mà bão Hagibis gây ra cho Nhật Bản chưa đầy 2 tuần qua còn chưa được khắc phục hết thì quốc gia này lại tiếp tục hứng chịu những trận mưa xối xả của cơn bão thứ 20 và 21 trong năm 2019 của họ.

– Tình hình bão Neoguri (áp suất khí quyển là 990 hPa):

Bão đang gây mưa lớn cho vùng Tokai (Trung Nhật Bản), lượng mưa lên đến 300 mm; vùng Kinki (Tây Nhật Bản) hứng chịu lượng mưa 200 mm; còn vùng Kanto-Koshin là 150 mm. Không chỉ gây mưa, Neoguri còn gây sóng cao 5 mét tại các khu vực như Shikoku, Kinki và Tokai.

– Tình hình bão Bualoi (áp suất khí quyển là 955 hPa):

Vệ tinh của GPM cung cấp hình ảnh về độ ẩm cực mạnh của bão Bualoi ngày 22/10. Nguồn: NASA/JAXA/NRL

Theo thông tin của Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp Mỹ (JTWC), sau khi di chuyển qua Quần đảo Mariana, bão Bualoi có khả năng mạnh lên thành siêu bão. Dự báo, Bualoi không chỉ gây gió giật mạnh mà hoàn lưu của nó còn gây mưa rất lớn khi đổ bộ Nhật Bản trong tuần này.

Tin mới nhất về song bão châu Á: 2 cơn bão đánh vào duy nhất quốc gia nào? - Ảnh 3.

Đối mặt với những cảnh báo lũ lụt dự báo sẽ xảy ra do song bão Neoguri và Bualoi gây ra, tờ Japan Times phân tích những bài học cần phải có nhìn từ trận bão Hagibis đổ bộ Nhật Bản ngày 12/10:

Những cơn mưa xối xả, những dòng sông đục ngầu và những ngôi nhà ngập nước lũ: Sự tàn phá của cơn bão Hagibis là một lời nhắc nhở nghiệt ngã rằng thời tiết khắc nghiệt có thể là chuẩn mực mới trong quốc gia dễ bị thiên tai này.

Chỉ mới tháng trước, bão Faxai đánh thẳng vào khu vực Kanto, thổi bay các mái nhà và gây ra sự cố mất điện lớn ở tỉnh Chiba thì những thiệt hại khổng lồ từ Hagibis tiếp tục trở thành thảm họa nặng gấp đôi cho những người dân chưa kịp khắc phục hết hậu quả của Faxai.

Ngày 22/10, chính phủ Nhật Bản xác nhận rằng lượng mưa kỷ lục mà Hagibis gây ra đã khiến những con đê tại các sông khắp Nhật Bản sụp đổ, khiến cho nước lũ tràn vào khu dân cư đông đúc.

Trận bão Hagibis khiến ít nhất 80 người thiệt mạng và 9 người mất tích, theo đài NHK. Gần 68.600 ngôi nhà bị ngập lụt, với khoảng 5.800 ngôi nhà bị phá hủy hoặc hư hỏng nặng. Gần 4.000 người vẫn ở trong các trung tâm sơ tán.

Hậu quả từ cơn bão Habigis. Ảnh: AP

Giáo sư Kazuhisa Tsuboki thuộc Viện nghiên cứu môi trường không gian Trái Đất tại Đại học Nagoya cho biết, trong bối cảnh nóng lên toàn cầu, những cơn bão mạnh và mưa như trút sẽ xảy ra thường xuyên hơn.

Đại dương nóng lên làm tăng độ ẩm trong không khí, điều này chẳng khác nào nguồn năng lượng khổng lồ ‘nuôi lớn’ các cơn bão. Điều đáng sợ là những trận bão mạnh này lại phát triển tập trung tại Đông và Đông Nam Á.

Rủi ro của bão nhiệt đới đối với các quốc gia như Nhật Bản chắc chắn đang leo thang, Giáo sư Kazuhisa Tsuboki nói. Sự xuất hiện của bão Faxai và Hagibis, cơn bão thứ 15 và 19 trong mùa bão 2019 của Nhật Bản, trở thành một trong những cơn bão mạnh nhất ở vùng Kanto và Tokai kể từ khi Cơ quan khí tượng bắt đầu lưu giữ hồ sơ vào năm 1951.

Đối mặt với song bão Neoguri và Bualoi, chuyên gia Nhật Bản lên tiếng: Cần phải dự báo chính xác không chỉ cường độ bão mà còn độ ẩm của bão. Bởi chúng là nguyên nhân gây nên những trận mưa như trút xuống khu vực mà nó đổ bộ.

Không phải nhìn ở đâu xa, bão Hagibis đã bộc lộ những điểm yếu trong cơ sở hạ tầng giao thông quốc gia Nhật Bản. Một phần ba các chuyến tàu được sử dụng cho tuyến Hokuriku Shinkansen đã bị hư hại khi dòng sông Chikuma tràn vào làm ngập kho của họ ở Nagano. Mặc dù thiệt hại vẫn chưa được xác định, nhưng ước tính chi phí thay thế ở mức từ 30 tỷ đến 40 tỷ Yên.

Có thể nói, thiên tai, bão lũ hiện nay vẫn là vấn đề nhức nhối đối với nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay.

Bài viết sử dụng các nguồn: NASA, Japan Times, Mainichi, Phys.org

 

Gió bão hủy diệt giáng xuống Tokyo vẫn không thể quật ngã công trình cao nhất Nhật Bản này!

Trong khung cảnh dữ dội của mưa gió kỷ lục do bão Hagibis gây ra, công trình cao nhất Nhật Bản vẫn đứng hiên ngang.
Bão Hagibis trước khi đổ bộ đất liền Nhật Bản vào 19h ngày 12/10, nó được chuyên gia khí tượng đánh giá là siêu bão mạnh nhất trên Trái Đất năm 2019; là một trong những siêu bão có sức mạnh và tăng cấp nhanh nhất trong lịch sử khí tượng thế giới.

Khi đổ bộ Nhật Bản (cơn bão thứ 19 trong năm 2019) với sức gió 160km/giờ, gió giật trên 250km/giờ, bão Hagibis được ghi nhận là cơn bão mạnh nhất và tồi tệ nhất trong lịch sử 60 năm của Nhật Bản, Japan Times cho hay.

Những cơn gió bão kỷ lục đã giáng xuống Tokyo, xé toạc mái nhà và làm bật rất nhiều cây cối. Trong khung cảnh dữ dội đó, có một công trình vẫn kiên cố trước gió bão – Đó là Tokyo Skytree.

Tokyo Skytree – Công trình hiên ngang trước gió bão

Sau khi đạt độ cao 634 mét vào năm 2011, tháp Tokyo Skytree chính thức công trình kiến ​​trúc cao nhất Nhật Bản và là tòa tháp cao nhất thế giới; đồng thời là cấu trúc cao thứ hai trên thế giới sau tòa nhà chọc trời Burj Khalifa (829,8 mét) ở Dubai, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Tokyo Skytree là một tháp phát sóng, nhà hàng, và đài quan sát tại quận Sumida của thủ đô Tokyo.

Tòa tháp cao nhất Nhật Bản – Tokyo Skytree. Ảnh: Flickr

Nhờ khả năng gì mà Tokyo Skytree thách thức cả sức gió kỷ lục của Hagibis?

Được thiết kế bởi công ty kiến ​​trúc Nikken Sekkei, Tokyo Skytree được xây dựng để chống chọi với môi trường tự nhiên khắc nghiệt của Nhật Bản, đặc biệt là từ các mối đe dọa của động đất và bão.

Để đảm bảo an toàn, nguyên vẹn của Tokyo Skytree, các kiến trúc sư đã sử dụng hai hệ thống kiểm soát rung động cho công trình này:

– Ở phần ngọn tháp, Tokyo Skytree có hai bộ giảm chấn dầu do Mitsubishi Heavy Industries lắp đặt. Một bộ giảm chấn dầu được lắp ở độ cao 625 mét, nặng 25 tấn, và bộ còn lại được lắp ở độ cao 620 mét và nặng 40 tấn.

Cùng với nhau, hai bộ giảm chấn dầu này hoạt động như đóng vai trò như đệm trong một trận động đất hoặc có gió bão tác động. Theo những nhà thiết kế, các bộ giảm chấn dầu có thể hấp thu 50% năng lượng từ một trận động đất và gia tốc liên quan đến gió tới 30%.

– Ở phần lõi tháp, người ta sử dụng một trụ bê tông cốt thép rộng 8 mét với độ dày tối đa 60 cm và cao 375 mét để chống gió và động đất. Bằng thiết kế đặc biệt, hệ thống này có thể triệt tiêu các rung động gây ra từ gió lớn hay động đất.

Ngoài ra, để dự đoán các tác động đến đỉnh của tháp Tokyo Skytree, các kiến ​​trúc sư đã lắp đặt một quả bóng thời tiết để thu thập dữ liệu về tốc độ gió. Dữ liệu này được sử dụng để đảm bảo tòa tháp không vượt quá tiêu chuẩn của chính phủ về an toàn xây dựng.

Tòa tháp này cũng được cho là có thể chịu được trận động đất cường độ 7,3 độ xảy ra tại vùng lân cận.

Tuy Tokyo Skytree vẫn bình an trước cơn bão dữ Hagibis, nhưng nhiều khu vực của Tokyo và Nhật Bản bị ảnh hưởng nặng nề sau khi bão ra khỏi đất liền Nhật Bản.

Nhật Bản huy động toàn lực khắc phục hậu bão Hagibis

Theo tin tức bão Hagibis đổ bộ Nhật Bản mới nhất của Đài NHK (Nhật) cập nhật lúc 15h51 ngày 13/10, chưa đầy 24 giờ sau khi bão Hagibis đổ bộ đất liền Nhật Bản, đã có ít nhất 23 người thiệt mạng, hàng chục người mất tích, khoảng 160 người bị thương.

Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) cho biết, tính đến sáng Chủ Nhật ngày 13/10, bão Habigis đã suy yếu và di chuyển khỏi đất liền nước này.

Quốc gia châu Á đang tiến hành tích cực các hoạt động khắc phục sau bão.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp của các bộ trưởng liên quan và phái bộ trưởng phụ trách quản lý thảm họa đến các khu vực bị thiệt hại nặng nhất. Ông gửi lời chia buồn tới gia đình của những nạn nhân không may thiệt mạng và cho biết chính phủ đang tích cực thực hiện các biện pháp để tìm kiếm người mất tích, cứu hộ người dân bị mắc kẹt và tài sản của họ, đài NHK đưa tin.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã huy động 27.000 người thuộc Lực lượng Phòng vệ tiến hành các hoạt động cứu hộ/cứu trợ trên cả nước, đặc biệt là tại các khu vực trung tâm, phía đông và đông bắc nước này đang chìm trong lũ lụt và lở đất dữ dội.

Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tiến hành cứu trợ người dân tại Motomiya, tỉnh Fukushima. Ảnh: Kyodo/via REUTERS

Lũ lụt nghiêm trọng xảy ra tại thành phố Nakano, tỉnh Nagano, nơi mực nước dâng lên 2 mét so với mặt đất sau khi một đoạn bờ đê cao 70 mét của sông Chikuma bị sụp đổ khiến nước sông chứa bùn tràn vào các khu vực gần đó, làm hàng trăm người mắc kẹt, nguồn tin địa phương cho hay.

Quan chức thành phố Nakano cho hay đã sơ tán 427 gia đình và 1.417 người đến nơi an toàn vào đêm 12/10. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đang tích cực triển khai trực thăng để cứu hộ những người mắc kẹt còn lại sau bão tại tỉnh Nagano.

Tại tỉnh Chiba, tính đến 13 giờ ngày 13/10, 95.000 hộ gia đình vẫn chưa có điện.

Nhiều con sông, bao gồm Chikuma, Tama ở Tokyo và Abukuma ở Fukushima đang bị ngập nặng.

Bão Hagibis khiến hệ thống giao thông của Nhật Bản gặp sự cố nghiêm trọng. Đường hàng không, đường bộ, đường thủy đều bị ảnh hưởng.

Chùm ảnh Nhật Bản hậu bão Hagibis

Lũ lụt tại quận Setagaya, Tokyo. Ảnh: KYODO NEWS

Sông Chikuma ở tỉnh Nagano gây ngập lụt vùng dân cư. Ảnh: KYODO NEWS.

Trực thăng cứu hộ người dân vùng bão lũ. Ảnh: KYODO NEWS.

Nhân viên cứu hộ kiểm tra tại vùng Kawasaki. Ảnh: Reuters

A view of Tama river, which reached flood risk level last night caused by Typhoon Hagibis, in Tokyo, Japan, October 13, 2019. REUTERS/Kim Kyung-Hoon

A bass guitar and floating debris are seen by a residential block as floodwaters recede in the aftermath of Typhoon Hagibis in Kawasaki on October 13, 2019. – Japan’s military scrambled October 13 to rescue people trapped by flooding in the aftermath of powerful Typhoon Hagibis, which killed at least four people, caused landslides and burst rivers. (Photo by Odd ANDERSEN / AFP)

A view of Tama river, which reached flood risk level last night caused by Typhoon Hagibis, in Tokyo, Japan, October 13, 2019. REUTERS/Kim Kyung-Hoon

Sông Iruma ở Kawagoe, tỉnh Saitama ngập nặng. Ảnh: KYODO NEWS

Tàu hỏa ngập trong nước lũ. Ảnh: KYODO NEWS

Bài viết sử dụng nguồn: Japan Times

Siêu bão Hagibis dữ dội nhất thế kỷ: Trải rộng 1.400 km, ‘nuốt chửng’ cả Nhật Bản

Siêu bão Hagibis được nhận định là mạnh nhất, dữ dội nhất thế kỷ 21.
1. Sức mạnh dị thường của siêu bão Hagibis mạnh nhất thế kỷ 21

Ngày 6-7/10: Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp Mỹ (JTWC) nhận diện: Cơn bão nhiệt đới Hagibis hình thành tại ‘ổ bão’ Tây Bắc Thái Bình Dương (từ sức gió 160km/giờ) đã tăng tốc dị thường để trở thành siêu bão(1) nhiệt đới cấp 5 (cấp mạnh nhất trên thang bão Saffir-Simpson), với sức gió 270km/giờ. JTWC đặt tên bão Hagibis nghĩa là Tốc độ (trong tiếng Tagalog của Philippines).

Ngày 8/10: Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) nhận định: Siêu bão Hagibis đang là cơn bão mạnh nhất hành tinh.

Ngày 9/10: CNN dẫn lời chuyên gia khí tượng của mình cho biết: Siêu bão Hagibis ghi thêm kỷ lục là siêu bão có thời gian tồn tại lâu nhất năm 2019, khi nó liên tục duy trì trong trạng thái của một siêu bão nhiệt đới trong vòng 60 giờ đồng hồ.

Ngày 11/10: Forbes cung cấp những số liệu khoa học về Hagibis để đưa ra thông tin: Siêu bão Hagibis là cơn bão mạnh nhất thế kỷ 21(xem chi tiết)

Cùng ngày, hãng AP cung cấp những hình ảnh một Tokyo tĩnh lặng khác thường trước khi trận bão mạnh nhất trong lịch sử 60 năm đổ bộ.

Ngày 12/10: Cơ quan Khí Tượng Nhật Bản (JMA) phát đi cảnh báo khẩn cấp: Chỉ còn vài giờ nữa, Hagibis sẽ tấn công trực tiếp các khu vực đông dân tại miền Trung Nhật Bản.

Đài truyền hình địa phương liên tục cập nhật thông tin bão. Ảnh: AP Photo/Toru Hanai

19 giờ thứ Bảy ngày 12/10 (giờ địa phương) bão Hagibis đổ bộ. Liên tục gây mưa lớn, gió mạnh và lũ lụt cho nhiều khu vực miền Trung Nhật Bản.

7h30 ngày 13/10: Đài NHK (Nhật) thông tin, ít nhất 4 người thiệt mạng tại Chiba, Gunma, Kanagawa và Fukushima; 17 người mất tích; và 80 người bị thương vì bão Hagibis.

Riêng tại Tokyo, 800.000 hộ gia đình bị mất điện. Lũ lụt xảy ra khắp Tokyo và nhiều vùng miền Trung Nhật Bản. Khoảng 6 triệu người dân Nhật Bản đã được khuyến cáo sơ tán đến các tòa nhà kiên cố, cao hơn để tránh gió mạnh, mưa lớn và lũ lụt.

15h ngày 13/10: Japan Times cho biết, ít nhất 19 người thiệt mạng, hàng chục người mất tích, khoảng 100 người bị thương vì bão Hagibis.

2. Điều gì khiến siêu bão Hagibis nguy hiểm hơn bất kỳ siêu bão nào?

Thứ nhất – Khả năng bứt tốc kỷ lục:

Chuyên gia bão Philip Klotzbach thuộc Đại học bang Colorado (Mỹ) cho biết: Siêu bão Hagibis là một trong những siêu bão tăng tốc nhanh nhất, mạnh nhất trong lịch sử thế giới. Không những thế, nó còn là siêu bão nhiệt đới bứt tốc mạnh nhất trong lịch sử khí tượng lưu vực Tây Bắc Thái Bình Dương trong 2 thập kỷ trở lại đây.

Chỉ trong 18 giờ đồng hồ, Hagibis từ cơn bão cấp 3 đã nhanh chóng tăng cường sức mạnh để trở thành siêu bão cấp 5. Con số này (18 giờ đồng hồ) nhanh gấp gần 3,5 lần so với trung bình thời gian mà một cơn bão cần phải có để tăng cường sức mạnh vào hệ thống của nó.

Thứ hai – Kích thước khổng lồ:

Mắt bão của Hagibis liên tục mở rộng sau khi nó đạt trạng thái siêu bão. Mắt bão của nó từ đường kính 22km đã tăng lên 89km tại thời điểm đạt đỉnh.

Vệ tinh của NOAA/NASA đã đo được tại thời điểm đạt đỉnh, siêu bão Hagibis bao phủ một vùng có đường kính lên tới 1.400 km (so với Bão Tip năm 1979, đổ bộ Philippines – Cơn bão nhiệt đới mạnh nhất và có kích thước lớn nhất từng được ghi nhận trong lịch sử khí tượng – là 2.220 km)

Với kích thước khổng lồ, bao trùm cả Nhật Bản, Forbes nhận định: Cho đến tận giây phút cuối cùng, không ai hay nơi nào tại Nhật Bản được an toàn trước cơn bão mở rộng này.

Siêu bão Hagibis bao trùm cả nước Nhật. Ảnh: Newspaperupdate

Bởi bão Hagibis dự báo sẽ gây mưa kỷ lục tại Nhật Bản. Dự báo, lượng mưa có thể ngang bằng trận bão Kanogawa năm 1958 khiến hơn 1.200 người tại Nhật Bản chết hoặc mất tích.

Thứ ba – Nguyên nhân sâu xa:

Chuyên gia phân tích, thông thường, sức mạnh của một cơn bão phụ thuộc vào nguồn năng lượng mà nó ‘hút’ được trên vùng nước biển ấm (ấm hơn 27 độ C) cùng khối không khí nóng ẩm (di chuyển theo mùa) trên một vùng đại dương.

Nói cách khác, sức nóng của đại dương ảnh hưởng đến việc bão hút hơi nước ấm, ẩm hơn vào hệ thống của nó. Những cơn bão hút được nhiều hơi nước ấm hơn sẽ gây mưa nhiều hơn.

Đại dương ấm do đâu? Phần lớn do chính các hoạt động của con người. Bởi sự nóng lên toàn cầu được thúc đẩy bởi “sự mất cân bằng năng lượng” của Trái Đất do có nhiều khí nhà kính trong không khí, nên có đến hơn 90% nhiệt lượng nóng lên toàn cầu lắng đọng trong các đại dương trên thế giới.

NOAA nhận định trong nghiên cứu năm 2018: Với sự nóng lên toàn cầu liên tục, nhiều cơn bão nhiệt đới sẽ tăng cấp sức mạnh nhanh hơn so với trước đây.

3. Nhật Bản oằn mình chống chọi bão lũ triền miền

“Tôi thực sự, thực sự rất mệt mỏi và chán chường vì bão lũ triền miên rồi” – Isamu Matsuyama, 87 tuổi, người dân Nhật Bản đang trú ẩn tại Trường Tiểu học Kyonan (tỉnh Chiba) sau lệnh sơ tán khẩn cấp của chính quyền nói trên New York Times.

Bão có thể gây sóng cao hơn 10m. Ảnh: AP Photo/Toru Hanai

Chỉ mới cách đây 1 tháng, Nhật Bản vừa phải hứng chịu bão Faxia, khiến 3 người thiệt mạng, làm thiệt hại về kinh tế lên đến 7 tỷ USD.

Theo thông tin dự báo thời tiết cập nhật sáng 12/10, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) cho biết bão Hagibis cách đảo Hachiojima 322km về phía tây nam. Với sức gió 161km/giờ tại vùng tâm bão, Hagibis sẽ đổ bộ vào đất liền Nhật Bản chiều và tối nay (12/10).

Các khu vực Tokai, Kanto, gồm cả Tokyo… đang trong tình trạng khẩn cấp. Mưa kỷ lục, gió giật mạnh, sạt lở đất, lũ lụt ven biển đều có khả năng tác động mạnh mẽ lên các vùng đông dân.

Hiện chính quyền Nhật Bản đã tiến hành sơ tán người dân vùng dễ bị tổn thương đến các tòa nhà kiên cố hơn như trường học, nhà thờ… để tránh bão. 2.400 người đã sơ tán đến nơi an toàn.

Sở điện lực Tokyo thông báo ngày 12/10 rằng khoảng 5.200 hộ gia đình đã bị mất điện. Hàng trăm siêu thị, công viên, sân bay, nhà ga… tại Tokyo cũng buộc phải đóng cửa để tránh bão, New York Times đưa tin.

Cả Tokyo dường như tĩnh lặng khác thường trước bão!

Khung cảnh hàng nghìn người tránh bão tại các tòa nhà kiên cố ở Nhật khi họ chỉ được mang theo tấm chăn, chút ít đồ đạc trong ba lô và đồ ăn qua ngày mới thật thấm thía những tác động khủng khiếp của bão lũ, thảm họa tự nhiên…

Sân bay Haneda tại Tokyo sáng thứ Bảy – Tĩnh lặng lạ thường. Ảnh: Masanori Takei/Kyodo News via AP

 

Siêu thị vắng bóng người tấp nập tại Tateyama, tỉnh Chiba, gần Tokyo. Ảnh: Naoya Osato/Kyodo News via AP

Chú thích:

Trạng thái ‘siêu bão’ là một thuật ngữ được sử dụng bởi Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hiệp Mỹ (JTWC) để mô tả các cơn bão có sức gió tối đa trong 1 phút duy trì tối thiểu là 242 km/giờ, tương đương cấp 4 hoặc cao hơn chiếu theo thang bão Saffir-Simpson ở lưu vực Đại Tây Dương.

Bài viết sử dụng các nguồn: New York Times, NOAA

 

Gió mùa Đông Bắc tràn về, Hà Nội sẽ giảm 10 độ; Từ nay đến cuối năm có mấy cơn bão?

Theo bản tin dự báo thời tiết của Trung tâm Dự báo KTTV TW, đợt rét đậm đầu tiên diễn ra vào cuối tháng 12/2019. Vậy tình hình bão từ nay đến cuối năm ra sao?

Từ nay đến cuối năm 2019 – đầu năm 2020, tình hình thời tiết nước ta có những nét chính nào, mùa Đông 2019 có ấm không; cuối năm 2019 chúng ta phải trải qua mấy cơn bão nữa? Trung tâm Dự báo KTTV TW sẽ giải đáp các vấn đề này qua Bản tin dự báo khí tượng thủy văn thời hạn mùa (từ tháng 10/2019 đến tháng 3/2020).

1. Tin gió mùa Đông Bắc mới nhất

– Hà Nội và miền Bắc chuẩn bị rét, giảm khoảng 10 độ C.

Theo bản tin gió mùa Đông Bắc mới nhất của Trung tâm Dự báo KTTV TW, sáng ngày 13/10, không khí lạnh đã tiến sát đến các tỉnh vùng núi phía Bắc nước ta.

Dự báo đến ngày 14/10, không khí lạnh sẽ tăng cường mạnh hơn và ảnh hưởng đến khu vực phía Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, sau đó ảnh hưởng đến một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ.

Đêm ngày 14/10, ở các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa trời chuyển lạnh vào đêm và sáng sớm với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 20-23 độ vùng núi có nơi chuyển rét với nhiệt độ thấp nhất 16-19 độ.

Từ ngày 14/10, Hà Nội giảm khoảng 10 độ C so với ngày 13/10. Ảnh: Thành Nguyễn

Riêng tại thủ đô Hà Nội, từ ngày 14-16/10, có mưa rào và rải rác có dông; đêm và sáng sớm trời chuyển lạnh với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 20-23 độ (giảm khoảng 10 độ so với ngày 13/10). Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

2. Cuối năm 2019 còn mấy cơn bão/áp thấp nhiệt đới đến nước ta?

– Từ nay đến cuối năm 2019, có khoảng 1-3 cơn bão ảnh hưởng đến nước ta.

Theo Trung tâm Dự báo KTTV TW, từ nay đến cuối năm 2019 có khả năng mật độ bão hoạt động trên khu vực Biển Đông ở mức ít hơn trung bình nhiều năm – TBNN (khoảng 3-5 cơn); trong đó có khoảng 1-3 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, trọng điểm là khu vực Trung Bộ và Nam Bộ.

Thời tiết chuyển mùa, tiếp tục đề phòng nguy cơ xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc.

3. Mùa Đông 2019 ấm hơn hay rét hơn?

– Nền nhiệt mùa Đông năm nay 2019 tương đương năm 2018 nhưng sẽ không nắng hanh mà có mưa ẩm nhiều hơn.

Nhiệt độ trung bình tháng 10-12/2019 ở Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa-Thừa Thiên Huế cao hơn TBNN từ 1,0-1,5 độ; các nơi khác cao hơn TBNN từ 0,5-1,0 độ.

Từ tháng 1 đến tháng 3/2020, nhiệt độ trung bình phổ biến ở mức cao hơn TBNN từ 0,5-1,0 độ.

Nền nhiệt mùa Đông năm nay 2019 tương đương năm 2018 nhưng sẽ không nắng hanh mà có mưa ẩm nhiều hơn. Ảnh: Thành Nguyễn

Trung tâm Dự báo KTTV TW nhận định: Mùa Đông năm nay 2019 ấm hơn mọi năm, nền nhiệt tương đương năm 2018 nhưng sẽ không nắng hanh mà có mưa ẩm nhiều hơn.

Theo thông tin dự báo thời tiết, đợt rét đậm đầu tiên diễn ra vào cuối tháng 12 (nhiệt độ trung bình ngày dưới 15 độ).

Thời kỳ chính đông kéo dài đến tháng 1, tháng 2 với khoảng 3-5 đợt rét đậm, rét hại*. Có đợt kéo dài 5-10 ngày, gây băng giá, sương muối, mưa tuyết ở vùng núi phía Bắc.

Tường giải:

– Rét đậm: Nhiệt độ trung bình ngày từ 13 đến 15 độ.

– Rét hại: Nhiệt độ trung bình ngày dưới 13 độ.

Bài viết sử dụng thông tin từ: Trung tâm Dự báo KTTV TW (NCHMF), VTV